Đánh Ngụy, đoạt Tây Hà Thương_Ưởng

Năm 352 TCN, Tần Hiếu công phong Thương Ưởng chức Đại lương tạo (tương đương với chức tướng quốc ở các nước Sơn Đông) đồng thời cử ông đem quân chủ lực tiến đến sông Hoàng Hà, vượt Hà Tây vào Hà Đông, chiếm lĩnh kinh đô cũ của nước Ngụy là An Ấp. Năm sau, Thương Ưởng lại đem quân đánh nước Ngụy, giành được yếu điểm Cố Dương ở Thượng Quân.[3]

Năm 344 TCN, Ngụy Huệ vương hội 12 nước chư hầu ở Phùng Trạch,[4] sai sứ xin Chu Hiển Vương cho mình đem quân đánh nước Tần.[5] Thương Ưởng đề nghị nên tôn vua Ngụy làm vương để nước Ngụy lui binh nhưng Tần Hiếu công không đồng ý, chỉ ra lệnh tập trung phòng thủ. Sau đó Thương Ưởng đến gặp vua Ngụy, đề nghị ra lệnh Hàn, Tống, Lỗ hội minh, tranh thủ sự đồng ý của Tần, Yên để "tiến hành vương lễ, sau sẽ đánh Tề, Sở". Sau không rõ vì sao nước Ngụy không xưng vương ngay, nhưng mưu đồ chuyển hướng tấn công của Ngụy sang Tề, Sở của Tần đã thành công.

Tây Hà[6] vốn là đất nước Tần đã lấy của nước Tấn từ đời Tần Mục công, nhưng sau đó Ngụy thừa cơ Tần nảy sinh nội loạn đem quân chiếm lấy, đời Tần Hiến công đã nhiều lần cho quân đánh Tây Hà nhưng không lấy lại được.

Năm 340 TCN, Vệ Ưởng tâu với Tần Hiếu công, xin đánh Ngụy để khống chế chư hầu. Tần Hiếu công nghe theo, phong cho Vệ Ưởng làm tướng, đem quân đánh Tây Hà của nước Ngụy.

Ngụy Huệ vương sai em là công tử Ngang đưa quân đón đánh. Khi hai quân gần nhau, Vệ Ưởng đưa thư cho công tử Ngang, mời đến giảng hòa, Công tử Ngang cho là phải, đến hội thề với Vệ Ưởng. Vệ Ưởng sai võ sĩ mai phục, khi hội họp ăn thề xong, uống rượu, thì sai võ sĩ xông bắt công tử Ngang, rồi đánh bại quân Ngụy, đem Ngang về Tần. Ngụy Huệ vương đành phải sai sứ cắt đất Tây hà dâng cho Tần để giảng hòa, sau đó bỏ An Ấp dời đô đến Đại Lương. Lúc đó Ngụy Huệ vương mới hối hận vì không nghe theo Công Thúc Tọa.

Sau khi đánh thắng quân Ngụy trở về, Vệ Ưởng được vua Tần phong cho mười lăm ấp ở đất Ư, đất Thương, hiệu là Thương Quân.[1] Từ đó ông còn được gọi là Thương Ưởng.